Tiềm năng, thế mạnh

      Phát triển nông nghiệp hàng hóa
Vi Hương có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; có hệ thống giao thông thuận tiện để giao lưu, phát triển kinh tế với các xã lân cận và trung tâm huyện; nguồn lao động dồi dào, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Người dân Vi Hương với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, không ngừng lao động sáng tạo, ứng dụng được các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng, năng suất, chất lượng sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp tăng dần qua các năng. Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là 167 ha. Giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thuỷ sản từ 2015 đến 2020 đạt 44 tỷ đồng, tăng bình quân 4,6%/năm so với năm 2015; toàn xã có trên 21,1 ha diện tích đất ruộng đạt giá trị từ 70 triệu đồng/ha trở lên. Năng suất lúa bình quân 52,8 tạ/ha/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt 2020 đạt 2.061tấn, tăng 134 tấn so với năm 2015; bình quân lương thực đầu người đạt 550 kg, tăng 75 kg/người so với năm 2015.
      Phát triển lâm nghiệp
Diện tích đất lâm nghiệp của xã Vi Hương là 1.939,63 ha (chiếm 92,90 diện tích đất tự nhiên) là nguồn tài nguyên to lớn của xã. Xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chính trong sản xuất nông – lâm nghiệp của địa phương, chính vì vậy giai đoạn 2015 – 2020 cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện trồng rừng. Diện tích rừng trồng mới từ năm 2015 đến 2020 đạt 92,2 ha (bình quân mỗi năm trồng được 18,44 ha, nâng độ che phủ rừng từ 75% năm 2015 lên 77 % năm 2020. Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều hộ dân làm giàu từ mô hình kinh tế VARC, kinh tế đồi – rừng… góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tốt thế mạnh của từng vùng, hình thành các đơn vị sản xuất hàng hóa phù hợp với thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
      Chủ động phát triển kinh tế vùng sản xuất hàng hóa
Cấp ủy, chính quyền luôn chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất vùng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và ổn định; chuyển dịch nhanh hơn nữa cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các loại cây, con chủ lực có lợi thế. Thành lập HTX, tổ hợp tác để liên kết bao tiêu sản phẩm của địa phương để tăng thêm thu nhập cho người dân.
      Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2020 – 2025
Thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm gắn với phát huy lợi thế của xã. Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao, xây dựng mô hình khoa học và công nghệ, áp dụng vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông, lâm sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm tổn thất sau thu hoạch. Duy trì ổn định diện tích cây lương thực, tăng cường thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an ninh lương thực.
       Phát triển tiềm năng chăn nuôi chất lượng cao
Đẩy mạnh phát triển đàn lợn địa phương và đàn lợn Móng Cái theo nhu cầu của thị trường, đầu tư khoa học công nghệ vào xử lý môi trường trong chăn nuôi; cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống cũng như quy trình nuôi dưỡng. Phát triển đàn gia cầm, thủy cầm theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chú trọng phát triển các giống gà thịt và nuôi cá ao, ruộng tại địa phương. Thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế sâu bệnh hại cây trồng. Thu hút đầu tư lâm nghiệp, tạo thu nhập từ rừng trồng; đầu tư phát triển hệ thống đường lâm nghiệp theo quy hoạch để phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới.
      Thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
Tích cực huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đổi mới công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, coi thúc đẩy sản xuất nông – lâm nghiệp là công tác trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Trước mắt trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ gặp khó khăn, cấp ủy, chính quyền cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí cận chuẩn như: Vệ sinh môi trường, văn hóa, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… Nhân rộng các mô hình, điển hình về xây dựng nông thôn mới, thi đua, học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
      Phát triển kinh tế tập thể
Thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế trang trại và các loại hình tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản; trồng trọt, chăn nuôi… Tiếp tục vận động hỗ trợ thành lập thêm hợp tác xã, đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình, hình thức quản lý, năng lực kinh doanh theo Luật Hợp tác xã 2012.