VÀI NÉT KHÁI QUÁT VỀ XÃ VI HƯƠNG

Vi Hương là một xã vùng cao cách trung tâm của huyện Bạch Thông khoảng 05 km về phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 20,87 km2. Dân số năm 2020 là 2.558 người, mật độ dân số đạt 112 người/km².
1. Điều kiện tự nhiên
1.1 Vị trí địa lý
Phía bắc giáp huyện Ba Bể.
Phía đông giáp thị trấn Phủ Thông.
Phía nam giáp xã Tân Tú và xã Lục Bình.
Phía tây giáp xã Đôn Phong và huyện Ba Bể.
1.2. Địa hình
Địa hình Vi Hương thấp dần từ Bắc xuống Nam, gò đồi xen giữa vùng núi cao, giữa gò đồi là những thung lũng, đồng ruộng và bãi đất bằng phẳng. Thung lũng rộng nhất là cánh đồng Vi Hương. Hiện nay Vi Hương có 9 thôn: Nà Sang, Nà Chá, Đon Bây, Nà Pái, Bó Lịn, Nà ít, Thủy Điện, Nà Ít, Địa Cát, Cốc Thốc.
Rừng xã Vi Hương chiếm 85% diện tích, chủ yếu là rừng tự nhiên; đất đai màu mỡ thích hợp với sự phát triển trồng rừng và cây lúa nước, cây ngô.
1.3. Khí hậu
Xã Vi Hương nằm trong nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Hạ có gió mùa Đông nam từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình từ 25 đến 270C. Vào mùa Đông thường có gió mùa Đông bắc khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Tiết trời giá rét, thỉnh thoảng có sương muối, gây ảnh hưởng xấu đến độ sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi. Sự chênh lệch giữa hai mùa nóng và mùa lạnh tương đối lớn. Nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất là tháng 7 lên tới 270C, nhiệt độ trung bình tháng lạnh nhất là 13,70C.
Với khí hậu đó, trên các cánh đồng của Vi Hương, cây lúa là cây trồng chính, lúa thường được trồng 2 vụ là vụ Chiêm xuân và Vụ mùa. Dòng suối chính chảy qua giữa cánh đồng, chảy dọc thung lũng là nguồn nước chính tưới tiêu cho hầu hết các triền ruộng của làng bản. Bên cạnh dòng suối chính, trên địa bàn Vi Hương còn có nhiều con suối nhỏ, các ngòi nước chảy từ các khe núi luôn bảo đảm tưới nước đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc trồng lúa. Ngoài cây lúa, trên các bãi soi đồng bào còn trồng ngô, đỗ tương, đỗ xanh, mía, các loại rau màu vụ Đông và vụ Hè.
2. Tài nguyên thiên nhiên
2.1. Tài nguyên rừng, đất
Rừng ở Vi Hương chiếm 85% diện tích, chủ yếu là rừng tự nhiên, đất đai của Vi Hương cũng như đất ở các xã Lục Bình, Phương Linh, Tú Trĩ là loại đất feralit màu vàng, với độ ẩm ướt lớn, nhiệt độ thấp hơn so với các nơi khác, tỉ lệ mùn cao, thích hợp với phát triển nông nghiệp. Các cây mọc trên các cánh rừng này gồm lim, sến, táu, trai, còn có nhiều vầu, nứa, trúc, tre, mai… Chủ yếu là rừng rậm rạp, nhiều tầng thực vật và dây leo chằng chịt. Trong các khu rừng có nhiều thú quý như lợn rừng, hươu, nai, còn có các loại chim muông như gà gô, gà lôi, công… Không thể không nhắc đến các đặc sản quý như nhung hươu, mật ong, sa nhân, nấm hương, mộc nhĩ, các loại măng, nấm, rau rừng… Xưa kia trên các bãi đất tương đối bằng phẳng, lớp thảm mục dày, tỉ lệ mùn trong đất cao và có độ ẩm khá lớn, đồng bào đã phát rẫy làm nương, thích hợp với các cây trồng như ngô, lúa nương, các loại đỗ, khoai, sắn, bầu bí, bông, chàm.
Từ xa xưa dựa vào rừng núi, đồng bào ta đã tích cực khai thác lâm thổ sản bao gồm khai thác gỗ, tre, nứa, vầu, trúc. Khai thác các sản vật như củ nâu, song mây, quả ép dầu (trẩu, lai), mật ong, nấm hương, mộc nhĩ …
2.2. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Lưu vực suối Vi Hương có nước quanh năm, vào mùa khô lưu lượng nước ít hơn do độ dốc địa hình lớn. Một số khe suối nhỏ chỉ có nước vào mùa mưa, mùa khô hầu như không có.
2.3. Tài nguyên khác: Ở một số nơi trong xã có quặng sắt non chưa đến tuổi khai thác.
3. Hệ thống giao thông
Với trên 90% diện tích là rừng núi, địa hình khá phức tạp nhưng trong những năm qua được đầu tư nên hệ thống đường liên xã Vi Hương – Thị trấn Phủ Thông; Vi Hương – Tú Trĩ- Lục Bình – Hà Vị rất thuận lợi; các đường nhỏ liên thôn được bê tông hóa đã tạo thành một mạng lưới giao thông nội thôn, xã thông suốt phục vụ nhu cầu đi lại và đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của nhân dân các dân tộc trong xã.